Chỉ số điều chỉnh GDP và Chỉ số giá tiêu dùng CPI

Ngoài chỉ số giá tiêu dùng CPI thường gặp, còn có một chỉ tiêu khác của giá cả thường được sử dụng đó là chỉ số điều chỉnh GDP. Vậy hai chỉ số về giá cả này có gì khác nhau? Khi nào nên sử dụng?

Chỉ số điều chỉnh GDP được định nghĩa là tỷ lệ của GDP danh nghĩa so với GDP thực tế.

Chỉ số điều chỉnh GDP và CPI cung cấp thông tin khác nhau đôi chút về mức giá chung trong nền kinh tế. Có 3 điểm khác nhau then chốt giữa hai chỉ tiêu này.

  • Điểm khác biệt thứ nhất là chỉ số điều chỉnh GDP phản ánh giá cả của tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra, còn CPI chỉ phản ánh giá cả của những hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng mua. Như vậy, sự gia tăng giá cả của những hàng hóa mà doanh nghiệp và chính phủ mua biểu hiện trong chỉ số điều chỉnh GDP, nhưng không biểu hiện trong CPI.
  • Điểm khác biệt thứ hai là chỉ số điêu chỉnh GDP chỉ bao gồm những hàng hóa được sản xuất trong nước. Hàng nhập khẩu không phải bộ phận của GDP và không biểu hiện trong chỉ số điều chỉnh GDP. Cho nên, sự gia tăng giá cả của chiếc ô tô Toyota sản xuất tại Nhật và bán ở Việt Nam ảnh hưởng tới CPI, vì người tiêu dùng Việt Nam mua nó, nhưng nó không ảnh hưởng tới chỉ số điều chỉnh GDP.
  • Điểm khác biệt thứ ba và là điểm khó nhận thấy nhất có liên quan đến phương pháp tổng hợp nhiều loại giá cả trong nền kinh tế của hai chỉ tiêu này. CPI gán quyên số cố định cho giá cả của các hàng hóa khác nhau, còn chỉ số điều chỉnh GDP gán cho chúng quyền số thay đổi. Nói cách khác, CPI được tính toán bằng cách sử dụng một giỏ hàng hóa cố định, còn trong chỉ số điều chỉnh GDP, giỏ hàng hóa thay đổi theo thời gian khi cơ cấu của GDP thay đổi.

Các phương trình trên cho thấy cả CPI và chỉ số điều chỉnh GDP đều so sánh chi phí để mua một giỏ hàng hóa hiện tại với chi phí để mua giỏ hàng hóa như thế trong năm cơ sở. Sự khác nhau giữa hai chỉ tiêu là ở chỗ giỏ hàng hóa có thay đổi theo thời gian không. CPI sử dụng giỏ hàng hóa cố định (lượng của năm cơ sở), còn chỉ số điều chỉnh GDP sử dụng giỏi hàng hóa thay đổi (lượng của năm hiện tại).

Ví dụ sau đây sẽ chỉ ra sự khác nhau giữa hai phương pháp này. Giả sử các đợt bão đột ngột phá hủy hết số cam của đất nước: lượng cam sản xuất ra giảm xuống tới 0 và giá của một ít cam còn lại trên giá bày hàng của người bán tạp hóa tăng vọt. Vì cam không còn là bộ phận của GDP, cho nên sự gia tăng của giá cam không thể hiện trong chỉ số điều chỉnh GDP. Nhưng vì CPI được tính bằng giỏ hàng hóa cố định, trong đó có cam, cho nên sự gia tăng giá cam làm cho CPI tăng lên đáng kể.

Các nhà kinh tế gọi chỉ số giá sử dụng giỏ hàng hóa cố định là chỉ số Laspeyres và chỉ số giá sử dụng giỏ hàng hóa thay đổi là chỉ số Paasche. Các lý thuyết gia kinh tế đã nghiên cứu tính chất của hai loại chỉ số giá này để xác định xem chỉ số nào tốt hơn. Kết quả cho thấy không chỉ số nào tỏ ra hoàn toàn ưu việt hơn.

Mục tiêu của bất kỳ chỉ số giá nào cũng là phản ánh mức sống – nghĩa là tính xem phải tốn bao nhiêu tiền để duy trì một mức sống nhất định. Khi giá cả của các hàng hóa khác nhạu thay đổi ở mức không giống nhau, chỉ số Laspeyres có xu hướng đánh giá quá cao sự gia tăng của giá sinh hoạt, còn chỉ số Paasche đánh giá nó quá thấp. Chỉ số Laspeyres sử dụng giỏ hàng hóa cố định, bởi vậy nó không tính đến thực tế là người tiêu dùng có cơ hội thay thế hàng hóa đắt tiền bằng hàng hóa rẻ hơn. Ngược lại, chỉ số Paasche tính đến khả năng thay thế các hàng hóa khác nhau, nhưng nó không phản ánh sự giảm sút phúc lợi của người tiêu dùng phát sinh từ những trường hợp thay thế như vậy.

Ví dụ về mùa cam bị phá hủy chỉ ra những vấn đề có liên quan đến chỉ số giá Laspeyres và Paasche. Vì CPI là chỉ số Laspeyres, nó đánh giá quá cao ảnh hưởng của sự tăng giá cam đối với người tiêu dùng: vì sử dụng giỏ hàng hóa cố định, nó không tính đến khả năng thay thế cam bằng táo của người tiêu dùng. Ngược lại, vì chỉ số điều chỉnh GDP là chỉ số Paasche, nó đánh giá quá thấp ảnh hưởng đối với người tiêu dùng: chỉ số điều chỉnh GDP không chỉ ra sự tăng giá, nhưng chắc chắn giá cam cao hơn làm giảm phúc lợi của người tiêu dùng.

Thật may mắn, sự khác biệt giữa chỉ số điều chỉnh GDP và CPI trên thực tế thường không lớn.