Thị trường và sự phân bổ nguồn lực

Các nhà kinh tế thường đề cập đến ba loại nguồn lực: lao động, vốn và đất đai. Đôi khi họ còn thêm vào yếu tố tinh thần sáng tạo kinh doanh. Khi nói lao động người ta nói đến hoạt động sản xuất do con người thực hiện, gồm hoạt động chân tay và hoạt động trí óc, chẳng hạn như hoạt động quản lý kinh doanh. Trong kinh tế vi mô, vốn có nghĩa là vốn vật chất: nhà xưởng và máy móc. Đất đai gồm có mặt bằng và các nguồn lực nằm bên dưới hay trên mặt đất.

Việc phân bổ nguồn lực để sản xuất hàng hóa và dịch vụ thay thế lẫn nhau phụ thuộc vào giá do thị trường quyết định. Nếu nhu cầu tiêu dùng một hàng hóa tăng thì giá sẽ tăng. Giá tăng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp vận dụng nguồn lực để sản xuất nhiều hơn mặt hàng đang ăn khách; ngay cả các nhà sản xuất mới sẽ tham gia thị trường. Trong một môi trường cạnh tranh, các doanh nghiệp có động lực cao để chọn lựa công nghệ và nguồn lực nhằm sản xuất với chi phí thấp.

Bắt đầu từ việc tăng nhu cầu tiêu dùng, chuỗi sự kiện tiếp theo sẽ có lợi cho cả người tiêu dùng, nhà sản xuất và chủ sở hữu nguồn lực. Lưu ý là mỗi cá nhân có thể là tất cả những đối tượng này; phần lớn chúng ta vừa là người tiêu dùng vừa là chủ sở hữu nguồn lực lao động.

Tất nhiên, quá trình trên có thể là ngược lại. Nếu nhu cầu tiêu dùng một mặt hàng giảm, giá sẽ giảm, khi đó nguồn lực dùng để sản xuất mặt hàng này được giải phóng và chuyển sang cho mục đích thay thế tốt nhất.

Trong một nền kinh tế thị trường, cơ chế giá cả sẽ hướng sự phân bổ nguồn lực vào những hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng muốn.

Thị trường Vs người tiêu dùng, nhà sản xuất và xã hội

THỊ TRƯỜNG VÀ PHÚC LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Các giao dịch trên thị trường làm cho cả người mua và người bán cùng được lợi. Khi một người tiêu dùng (NTD) mua phở, cô ta muốn thỏa mãn cơn đói của mình hơn là để dành 6.000 đồng trong túi. Còn tiệm phở cũng sẵn lòng bán, vì họ muốn được tiền hơn là giữ lại phở trong cửa tiệm. Khi có nhiều người mua phở và nhiều người bán phở thì cả đôi bên đều có lợi.

Lợi ích mà người mua và người bán thu được từ những giao dịch trên thị trường góp phần hình thành nên phúc lợi kinh tế (chúng ta sẽ định nghĩa chi tiết khái niệm này trong những bài tới). Chúng ta phân tích lợi ích của NTD dựa theo đường cầu ở hình bên. Mức giá (đồng/đơn vị hàng) được thể hiện trên trục tung và lượng cầu được thể hiện trên trục hoành (đơn vị hàng/thời kỳ). Đường cầu dốc xuống vì NTD sẽ tăng lượng cầu khi giá giảm.

Trong một thị trường cạnh tranh, mọi người mua đều trả theo giá cân bằng (P*). Nhưng đưa vào đường cầu, ta thấy nếu số lượng hàng hóa bị hạn chế, một số NTD sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn. Những người này sẽ có được thặng dư người tiêu dùng tương đương với chênh lệch giữa giá trị do họ nhìn nhận từ món hàng và giá cân bằng thị trường.

Tổng thặng dư được xác định bởi diện tích tô đậm trên đồ thị, bên dưới đường cầu và trên đường giá P*. Nếu lượng hàng bán ra ít hơn thì tổng thặng dư sẽ nhỏ hơn. Tại mức giá cân bằng P, NTD sẽ không mua một lượng hàng nhiều hơn. Do đó, khi giá cân bằng là P’ thì thặng dư sẽ được tối đa hóa tại lượng cân bằng.

THỊ TRƯỜNG VÀ PHÚC LỢI NHÀ SẢN XUẤT

Các giao dịch trên thị trường giúp cả người mua và người bán cùng được lợi.

Chúng ta phân tích lợi ích của nhà sản xuất theo đường cung phở ở hình bên. Trục tung thể hiện giá (VND/tô phở) và trục hoành thể hiện lượng cung (số tô phở/thời điểm nhất định). Đường cung cho ta biết số tô phở sẽ được cung ứng ở một mức giá bất kỳ. Giá càng cao, càng có nhiều tô phở được bán.

Trong một thị trường cạnh tranh, các nhà sản xuất đều bán tại mức giá cân bằng (P). Nhưng đồ thị cho thấy một số nhà sản xuất sẵn sàng sản xuất ở một mức giá thấp hơn P. Do có hiệu quả cao hơn, họ có thể sản xuất thêm lượng hàng với giá thành đơn vị thấp hơn. Những người này sẽ thu được thặng dư nhà sản xuất bằng với chênh lệch giữa mức giá mà họ muốn bán và mức giá họ thật sự bán được.

Tổng thặng dư nhà sản xuất được xác định bởi diện tích nằm trên đường cung, nhưng dưới đường giá P’ (phần diện tích được tô đậm trên đồ thị). Tại mức giá cân bằng P* họ sẽ không sản xuất nhiều hơn lượng Qs. Giá thấp hơn P’ hay lượng thấp hơn Qs đều làm giảm thặng dư nhà sản xuất.

LỢI ÍCH XÃ HỘI (SB)

Các giao dịch trên thị trường làm cho cả người mua và người bán đều được lợi. Hai phần trên đã phân tích thặng dư người tiêu dùng (CS) và thặng dư nhà sản xuất (PS) trên thị trường phở. Phần này cho thấy lợi ích xã hội (còn gọi là phúc lợi kinh tế) là tổng của CS và PS và chứng minh rằng lợi ích xã hội đạt tối đa khi thị trường ở trạng thái cân bằng.

Cân bằng thị trường được thiết lập tại mức giá mà lượng cung và lượng cầu bằng nhau. Trên đồ thị biểu diễn thị trường, giao điểm của đường cung và đường cầu cho ta điểm cân bằng.

Lợi ích xã hội là tổng diện tích tô đậm trên đồ thị.

Giả sử lượng hàng trên thị trường là Q1 thay vì Q. Khi đó giá tăng lên P1 vì đây là mức giá mà người tiêu dùng sẵn sàng chi trả. Ta thấy một phần CS được chuyển sang PS nhưng có hai tam giác nhỏ thuộc CS và PS trong khoảng Q1, và Q mất đi. Khi lượng hàng thấp hơn Q* thì lợi ích xã hội tương ứng sẽ thấp hơn lợi ích xã hội tại Q*.

Bây giờ giả sử lượng hàng trên thị trường là Q2. Tại bất kỳ lượng hàng nào nhiều hơn Q* ta thấy đường cung nằm bên trên đường cầu. Điều này cho thấy các chi phí nguồn lực cần thiết để tăng lượng hàng từ Q* lên Q2 là lớn hơn giá trị của lượng hàng tăng thêm này theo nhìn nhận của người tiêu dùng. SB ở Q* được tính bằng SB ở Q* trừ cho diện tích tam giác ABC.

Lợi ích xã hội được tối đa hóa tại mức cân bằng thị trường. Trong phần phân tích, chúng ta đã giả định số lượng hàng trên thị trường có thể lệch khỏi lượng cân bằng.

Trạng thái cân bằng thị trường, sự mất cân bằng và những thay đổi trong trạng thái cân bằng

Trong thị trường cạnh tranh, cầu và cung của một hàng hóa hoặc dịch vụ quyết định mức giá cân bằng của thị trường.

Kinh tế học vi mô thường được gọi là lý thuyết về giá vì môn này tập trung vào cơ chế xác định giá hàng hóa và dịch vụ của thị trường. Trong kinh tế vi mô, thị trường không phải là một địa điểm diễn ra trao đổi, mà chủ yếu nói lên mối quan hệ tương tác giữa cung và cầu.

Cầu

Cầu là mối quan hệ giữa giá của một mặt hàng với lượng cầu đối với mặt hàng đó, trong điều kiện những yếu tố khác không đổi.

Giá được đo theo đơn vị tiền và lượng cầu được tính theo đơn vị hàng mà người tiêu dùng sẵn lòng mua và có thể mua trong một thời điểm.

Quy luật cầu cho thấy mối quan hệ nghịch biến giữa giá và lượng cầu: khi giá tăng, lượng cầu của người tiêu dùng giảm đi.

Cung

Cung là mối quan hệ giữa giá của một mặt hàng và lượng cung của mặt hàng đó, trong điều kiện các biến số khác không đổi.

Lượng cung được tính theo đơn vị hàng mà nhà sản xuất sẵn lòng bán và có thể bán trong một thời điểm.

Quy luật cung nêu lên mối quan hệ trực tiếp giữa giá và lượng cung: khi giá tăng, nhà sản xuất tăng lượng cung ứng.

Trạng thái cân bằng thị trường

Tại một mức giá mà lượng cầu bằng lượng cung ta gọi là cân bằng thị trường. Nếu giá thị trường thấp hơn giá cân bằng, lượng cầu của người tiêu dùng sẽ vượt lượng cung của nhà sản xuất; nếu giá thị trường cao hơn mức giá cân bằng, lượng cần của người tiêu dùng sẽ ít hơn lượng cung của nhà sản xuất. Bài viết tiếp theo sẽ mô tả cơ chế điều chỉnh của thị trường để đạt mức cân bằng.

Chúng ta có thể biểu diễn thị trường ở trạng thái cân bằng trong một đồ thị bằng cách hiển thị giá và lượng kết hợp tại đó đường cung và đường cầu cắt nhau.

Ví dụ: hãy tưởng tượng rằng những người bán nước ngọt sẵn sàng bán 500 đơn vị nước ngọt ở mức giá 5$ đô la, mỗi lon. Nếu người mua sẵn sàng mua 500 đơn vị nước ngọt ở mức giá đó, thị trường này sẽ ở trạng thái cân bằng ở mức giá 5$ đô la, và với số lượng 500 lon.

Những thay đổi về Cầu tác động đến sự cân bằng thị trường

Nếu thu nhập của người tiêu dùng tăng, họ cũng sẽ tăng lượng cầu hàng hóa ở mọi mức giá, do đó cầu tăng. Từ mức giá cân bằng, khi lượng cầu tăng lên vượt lượng cung thì giá sẽ bị đẩy lên. Nhà sản xuất đáp ứng bằng cách tăng lượng cung. Giá sẽ tăng đến khi một sự cân bằng mới được thiết lập; ở đó lượng và giá mới đều cao hơn ban đầu.

Khi giá hải sản tăng, người tiêu dùng sẽ tìm hàng hóa khác để thay thế hải sản. Một trong những mặt hàng đó là thịt heo, lúc này dù đang ở bất kỳ mức giá nào thì cầu thịt heo cũng tăng lên. Giá hải sản tăng khiến cho cầu thịt heo tăng: kết quả là cả giá lẫn lượng thịt heo cân bằng trên thị trường đều tăng.

Xăng và lốp xe là hai loại hàng bổ sung cho nhau vì chúng được sử dụng cùng lúc. Khi xăng lên giá, người tiêu dùng bớt dùng xe, do đó không phải thường xuyên thay lốp xe nên cầu lốp xe giảm. Các nhà sản xuất lốp xe cạnh tranh bằng cách giảm giá bán và giảm sản lượng cung ứng. Khi đó thị trường lốp xe đạt được mức cân bằng mới với giá và lượng thấp hơn ban đầu.

Bạn đọc có thể thực tập phân tích sự cân bằng đáp ứng với các tình huống: cho thu nhập của người tiêu dùng giảm, giảm giá hàng hóa thay thế hay hàng hóa bổ sung.

Những thay đổi về Cung tác động đến sự cân bằng thị trường

Giá nguyên liệu có thể tăng do cầu nguyên liệu tăng hoặc do những nhân tố khác ví dụ như tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu. Khi đó, các nhà sản xuất phải nâng giá bán sản phẩm. Khi giá bán tăng lên, một số người tiêu dùng sẽ mua ít đi. Lúc này giá cân bằng mới sẽ cao hơn trong khi lượng cân bằng mới thì thấp hơn: cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất đều bị thiệt.

Nếu giá nguyên liệu giảm, các nhà sản xuất có thể cạnh tranh với nhau bằng cách để người tiêu dùng được hưởng khoản chi phí tiết kiệm, nói cách khác là hạ giá bán sản phẩm. Khi đó, một số người tiêu dùng sẽ tăng lượng sản phẩm mà họ mua. Giá cân bằng mới lúc này sẽ thấp hơn và lượng cân bằng mới thì cao hơn: cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất đều được lợi.

Cải tiến công nghệ sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm, với một mức sản lượng cho trước. Khi đó các công ty cạnh tranh có thể bán sản phẩm với giá thấp hơn; khi giá giảm, người tiêu dùng sẽ mua hàng nhiều hơn và cả bai bên đều được lợi.

Trong một nền kinh tế thị trường hoạt động hiệu quả, với giá nguyên liệu nội địa cho trước, các công ty cạnh tranh sẽ nỗ lực ứng dụng công nghệ sao cho chi phí sản xuất là thấp nhất. Nhờ vậy, họ có thể bán nhiều sản phẩm ra thị trường trong nước và có thể xuất khẩu. Các công ty kém hiệu quả sẽ thất bại, năng suất bình quân cả ngành sẽ tăng lên.

Ví dụ về Cân bằng thị trường với xe máy

Các nhà kinh tế học yêu thích thị trường xe máy vì đây là một ví dụ rõ nét về những tác động đối với cân bằng thị trường như đã mô tả phía trên. Các tác động này có thể xảy ra cùng lúc và được phản ánh qua những thay đổi về giá và lượng cân bằng. Tuy nhiên, để phân biệt ta sẽ trình bày rõ từng tác động một.

Tác động thứ nhất, thu nhập người tiêu dùng đã gia tăng trong những năm gần đây khiến cho nhu cầu mua xe máy cũng tăng theo. Trong một khoảng thời gian nhất định, mức cầu cao làm cho người bán xe máy có thể tăng giá.

Tác động thứ hai, do cầu tiêu dùng xe máy ở Việt Nam tăng mạnh nên các nhà sản xuất Trung Quốc chọn Việt Nam làm thị trường xuất khẩu xe máy. Cung xe máy với giá rẻ (với chất lượng thấp) tăng nhanh và một lượng lớn người tiêu dùng đã chọn mua xe Trung Quốc thay vì mua xe lắp ráp trong nước: lúc này cầu xe máy lắp ráp trong nước giảm dẫn đến giá và lượng cân bằng ở thị trường xe máy nội địa giảm. Công ty Honda phản ứng bằng cách trình làng một mẫu xe mới, đó là Wave Alpha, với giá tương đương giá xe Trung Quốc nhưng chất lượng tốt hơn. Kết quả là người tiêu dùng được lợi từ sự cạnh tranh này: họ có nhiều chọn lựa hơn với giá thấp hơn.

Tác động thứ ba, Chính phủ Việt Nam áp dụng chính sách thương mại hỗ trợ các nhà sản xuất linh kiện xe máy trong nước. Nếu sản phẩm xe máy của các nhà sản xuất có hàm lượng nội địa thấp thì họ phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện cao. Chi phí tăng do thuế nhập khẩu sẽ đẩy giá thành lắp ráp xe máy lên và hạ thấp sản lượng xe máy lắp ráp lúc này đang ở trạng thái cân bằng. Các nhà sản xuất xe máy lắp ráp và người tiêu dùng nội địa phải chịu phí tổn cao hơn trong khi các nhà sản xuất linh kiện trong nước cưỡi xe bát phố một cách khoái chí.

Bàn tay vô hình là gì?

Chính ‘‘bàn tay vô hình” làm cho nguồn lực chảy vào các hoạt động mà ở đó chúng có giá trị cao nhất, từ đó nâng cao “sự giàu mạnh của quốc gia”.

Các nhà kinh tế định nghĩa hiệu quả theo cách khác với những kỹ sư. Nếu bếp lò A tiêu thụ ít năng lượng hơn trong khi cho nhiệt lượng tương đương với bếp lò B, một kỹ sư sẽ coi là bếp lò A hiệu quả hơn. Nhưng nhà kinh tế lại nói bếp lò hiệu quả là bếp tạo ra một lượng nhiệt với một chi phí thấp hơn. Kinh tế học gọi các hàng hóa và dịch vụ được dùng để sản xuất các hàng hóa và dịch vụ khác là nguồn lực, các nguồn lực này cần được hướng đến những khu vực mà ở đó chúng được xã hội đánh giá cao nhất.

Nhiều người ở thành phố Hồ chí Minh ăn sáng tại các quán cà phê hay quầy phở. Họ phân bố sức lao động của mình vào chỗ có giá trị nhất cho họ – thay vì tốn thời gian đi chợ, nấu ăn, rửa dọn, họ có thể làm việc sớm hơn (hay ngủ muộn hơn) bằng cách để cho người khác chuẩn bị bữa sáng cho họ. Xã hội ghi nhận giá trị của thức ăn nhanh gọn, ngon với giá vừa phải. Các nguồn lực chảy vào ngành này, vỉa hè tràn ngập các quán ăn.

Hệ thống hoạt động như thế nào? Dường như các hoạt động thị trường sẽ hiệu quả hơn nếu được đưa vào kế hoạch. Chắc chắn có con người can thiệp vẫn tốt hơn để các hoạt động của người mua và người bán tự diễn ra một cách hỗn loạn. Nhưng đây chính là nét đẹp của kinh tế học về thị trường và là thiên tài của Adam Smith, người đã nhận thấy thị trường thực ra hoàn toàn không hỗn loạn mà được dẫn dắt bởi một “bàn tay vô hình” Theo Smith thì người ta bán hàng trên phố không phải do động cơ của trái tim hào hiệp, mà là lợi ích trong việc mang lại hàng hóa và cơ hội cho bản thân họ và gia đình. Chính ‘‘bàn tay vô hình” làm cho nguồn lực chảy vào các hoạt động mà ở đó chúng có giá trị cao nhất, từ đó nâng cao “sự giàu mạnh của quốc gia”.